Sunday, November 29, 2009

(2006) Nhận định về ban lãnh đạo Việt Nam

 Giáo sư Nguyễn Văn Canh nhận định
về ban lãnh đạo của Việt Nam

VOA News, 05 July 2006

Diễn biến liên quan đến Việt Nam được nhiều người chú ý nhất trong tuần qua là việc thay đổi nhân sự trong guồng máy lãnh đạo của Việt Nam. Trước sự kiện các nhà lãnh đạo miền Nam, nơi được xem là trung tâm kinh tế của cả nước, đã được bầu vào các chức vụ then chốt, nhiều nhà quan sát cho rằng Việt Nam sẽ đạt được nhiều tiến bộ trong lãnh vực kinh tế, dẫn đến những thay đổi chính trị. Tuy nhiên theo một số chuyên gia thì giới lãnh đạo mới sẽ chẳng mang lại những thay đổi nào đáng kể vì tất cả mọi quyết định đều nằm trong tay của đảng Cộng Sản. Mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn giáo sư Nguyễn Văn Canh, thuộc Viện Nghiên Cứu Hoover về Chiến Tranh Cách Mạng và Hòa Bình Đại Học Standford, do Trần Nam thực hiện trong khuôn khổ những cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ về sự kiện này:

VOA: Kính chào giáo sư Nguyễn văn Canh, thưa giáo sư, Quốc Hội Việt Nam đã chọn ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, làm Chủ Tịch Nước, thay thế ông Trần Đức Lương, và chọn ông Nguyễn Tấn Dũng, vào chức vụ Thủ Tướng, thay thế ông Phan văn Khải, giáo sư có nhận xét nào về việc 2 người ở miền Nam được chọn vào những chức vụ quan trọng này?

Những phe phái của đảng Cộng Sản ở miền Nam đã đấu tranh một cách dữ dội để họ nắm quyền hành, để giành giật quyền hành vào trong tay của họ. Kể từ khi ông Võ Văn Kiệt, trước đó đã được bầu làm Thủ Tướng mà ông Đỗ Mười giành mất cái chức vụ đó thành ra cái phe miền Nam cảm thấy rất khó chịu và cay đắng, và kỳ này họ đã thành công. Cả 2 chức vụ lớn trong Nhà Nước, trong chính phủ đều nằm trong tay ông Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng của phe ở miền Nam.

VOA: Thưa giáo sư, giáo sư có nghĩ rằng ngoài lý do mà giáo sư vừa trình bày còn có những nguyên nhân nào khác, chẳng hạn như có người cho rằng Việt Nam muốn chọn thành phần trẻ vào guồng máy công quyền, hoặc đặt nặng vào vấn đề kinh tế?

Theo tôi nghĩ thì không có vấn đề nào khác hơn vì đây là vấn đề chính sách chứ không phải là vấn đề nhân sự. Điểm thứ hai nữa là cơ cấu tổ chức của đảng Cộng Sản nói chung, và đảng Cộng Sản Việt Nam nói riêng cũng vậy, là tập thể chỉ huy, và họ nhất định chạy theo việc bảo vệ xã hội chủ nghĩa vì họ sợ rằng các đế quốc âm mưu thù địch dùng diễn biến hòa bình làm hại cho mục tiêu của họ. Thành ra vấn đề đặt ra ở đây là thay đổi chính sách chứ không phải thay đổi nhân sự. Cho nên dù có trẻ hay già chăng nữa thì lập trường của họ cũng như bản tuyên bố cương lĩnh của họ trong Đại Hội Đảng kỳ 10 của họ vừa rồi là duy trì, bảo vệ xã hội chủ nghĩa.

VOA: Thưa giáo sư, giáo sư nhận xét như thế nào về ảnh hưởng của giới lãnh đạo mới đối với quốc tế và ở trong nước trong các lãnh vực kinh tế và chính trị?

Nhìn chung thì ở trong nước người ta không thấy có gì để có thể gọi là hồ hởi trong việc thay đổi nhân sự vì từ trước đến giờ 10 lần đại hội đảng thì y như nhau chứ không có gì khác cả, thành ra ở trong nước chẳng có gì hồ hởi. Về ngoại quốc thì có một số báo chí hy vọng ở những người lãnh đạo mới. Lần nào họ cũng kỳ vọng như vậy, nhất là kỳ này họ lại thấy có những lãnh đạo trẻ, nhất là những lãnh đạo ở miền Nam, mà miền Nam thì luôn luôn gắn liền với cái mà họ gọi là đổi mới họ cũng hy vọng rất nhiều. Theo tôi nghĩ thì tôi nhấn mạnh một điều rằng chính sách chứ không phải là nhân sự. Nếu như họ từ bỏ xã hội chủ nghĩa và họ chấp nhận dân chủ thì lúc đó sẽ có khác.

VOA: Thưa giáo sư, trở lại những vấn đề ở trong nước thì cái vấn đề mà những người ở trong nước quan tâm nhất là một thành phần lãnh đạo có quyết tâm chống tham nhũng, vậy giáo sư có nghĩ rằng với giới lãnh đạo mới, sẽ có thay đổi và sẽ có tiến bộ trong vấn đề bài trừ tham nhũng trong tương lai hay không?

Trên nguyên tắc thì ông Nguyễn Tấn Dũng có tuyên bố 2 điểm. Điểm thứ hai là ông ấy chống tham nhũng. Điểm thứ hai là điều mà nhiều người chú ý rất là kỷ lưỡng nhưng mà chống như thế nào bây giờ đây. Kể cả các tổ chức của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như của các đảng Cộng Sản khác thì hệ thống quyền hành là nằm trong tay đảng, mà trong tay đảng thì cơ cấu tổ chức của đảng, nguyên tập thể lãnh đạo, thì chẳng có ai có trách nhiệm cả, từ ở dưới lên trên thì bây giờ làm sao mà chống tham nhũng được. Họ đã tuyên bố từ lâu rồi, tôi đã nghe ông Đỗ Mười tuyên bố chống tham nhũng rất nhiều lần, tôi đã nghe ông Lê Đức Thọ trước kia quyền hành ở trong tay, ông ấy bảo chống tham nhũng nhưng cuối cùng chẳng có gì cả. Bây giờ, ông Nguyễn Tấn Dũng là một trong những người trẻ mới lên nhưng cũng là một thành phần cũng như tất cả các đảng viên Cộng Sản khác trong chính trị bộ, quyền hành như nhau cả, không ai là người trội hơn cả thì không biết là chống như thế nào, và tôi nhấn mạnh rằng cơ cấu tổ chức là cái gì họ kẹt họ nói chống là chống thôi chứ không thể có gì tiến bộ được.

VOA: Thưa giáo sư ngoài vấn đề tham nhũng, còn có những vấn đề khác chẳng hạn như các quyền về tự do bày tỏ ý kiến, tự do tôn giáo, các quyền cơ bản của người dân, giáo sư có hy vọng gì về những quyền này nơi giới lãnh đạo mới, hay là có những thúc đẩy nào để các vấn đề này trở nên khá hơn trước hay không?

Tôi không nghĩ rằng có thể thúc đẩy khá hơn được bởi vì nếu để có tự do báo chí hay tự do lập hội theo những đòi hỏi của các tổ chức quốc tế cũng như bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền , kể cả trong Hiến Pháp của họ đi chăng nữa, nếu họ để tự do như vậy thì họ mất quyền hành, họ mất cái quyền lợi cá nhân của họ cũng như phe phái của họ thì chắc chắn là họ không có nhượng bộ. Dù quốc tế có áp lực nhiều đi chăng nữa thì dần dần họ chỉ nhả ra chút đình mà thôi. Tôi không nghĩ có tiến bộ nhiều như người ta mong tưởng.

VOA: Thưa giáo sư, đặc biệt là trong lãnh vực lãnh thổ và lãnh hải mà Việt Nam đã ký kết một số thỏa thuận với Trung Quốc, giáo sư có hy vọng nào nơi giới lãnh đạo mới về một sự thay đổi trong vấn đề này hay không?

Tôi cũng không có một hy vọng thay đổi nào khi nhìn qua cái việc họ ký hiệp ước với đảng Cộng Sản Trung Hoa để nhượng đến mộtmột ngàn cây số vuông ở Vịnh Bắc Việt và nhượng rất nhiều lãnh thổ ở trên đất liền, và nhất là đối với vùng Trường Sa thì cái ảnh hưởng của Trung Cộng quá lớn đối với đảng Cộng Sản Việt Nam mà trong những lần tuyên bố cũng như nhiều bài viết của tôi trước đây thì đảng Cộng Sản Việt Nam, ban lãnh đạo của họ chỉ là thừa sai của Cộng Sản Trung Hoa, họ thực thi những điều đảng Cộng Sản Trung Hoa muốn để phục vụ quyền lợi về bành trướng hơn là phục vụ quyền lợi của dân tộc Việt Nam.

VOA: Xin phép được hỏi giáo sư một câu chót, thưa giáo sư, với thành phần nhân sự mới như vậy thì điều đó có ảnh hưởng gì đối với triển vọng Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới?

Về thành phần nhân sự mới của Việt Nam thì những bộ mặt mới đó thì rất nhiều người nào là có tiến sĩ kinh tế hay là có những cao học hay quản trị vv.vv. thì cuối cùng cũng đến vậy thôi, tuy nhiên khi được gia nhập tổ chức mậu dịch quốc tế thì phải chơi cái trò chơi với những luật lệ do tổ chức đó đặt ra, và việc né tránh tham nhũng hoặc là vấn đề trong sáng hay là những vấn đề giành giật quyền hành riêng cho chính đảng Cộng Sản Việt Nam, nhất là trong 6 lãnh vực như tài chính, kinh tế, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm ...thì đảng Cộng Sản Việt Nam không thể cố gắng kéo dài tình trạng độc quyền được nữa.

VOA: Cám ơn giáo sư Nguyễn văn Canh, thuộc Viện Nghiên Cứu Hoover về Chiến Tranh Cách Mạng và Hòa Bình, Đại Học Standford, đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.

 

/////////////////////////////////